Diệt ký sinh trùng đường ruột tôm

Diệt ký sinh trùng đường ruột tôm

Hiện nay, ngành nuôi tôm phát triển nhanh chóng, cùng với đó là sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Những điều này đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh tấn công dễ dàng, một trong những mối lo âu nhất của người nuôi đó chính là tôm bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột.

Tôm thẻ

Ký sinh trùng trên tôm

Ký sinh trùng là một sinh vật sống ký sinh trên một sinh vật sống khác (con người, thực vật, động vật) hay còn gọi là ký chủ. Chúng sống phụ thuộc hoàn toàn vào ký chủ để tồn tại phát triển và sinh sôi. Do đó, ký sinh trùng hiếm khi giết chết ký chủ, nhưng nó có thể là nguồn lây lan bệnh tật, và một vài trong số này có thể gây tử vong cho ký chủ.

Trong môi trường nước tự nhiên, ký sinh trùng gây bệnh đường ruột cho tôm sống ở dạng bào tử. Do đó, nếu chất lượng nước không tốt, quy trình cải tạo ao nuôi không chính xác sẽ làm cho ký sinh trùng có điều kiện phát triển và xâm nhập vào ruột tôm.

Một số nguyên nhân trong quá trình nuôi khiến tôm bị ký sinh trùng đường ruột:

Thức ăn kém chất lượng

Thức ăn nuôi tôm bị nhiễm độc tố, nấm mốc hoặc không phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của tôm sẽ làm tổn thương niêm mạc ruột của tôm và tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập.

Tảo độc

Tảo độc trong ao nuôi có thể sản xuất enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột của tôm, khiến ruột tôm không hấp thụ được thức ăn và bị rỗng.

Vật chủ trung gian

Các loại động vật thân mềm hoặc động vật chân đốt như ốc, giun, cua… có thể mang theo ký sinh trùng vào ao nuôi và lây nhiễm cho tôm.

Môi trường nước không ổn định

Nhiệt độ nước cao, thời tiết nắng nóng kéo dài, chất hữu cơ trong nước nhiều, cải tạo ao nuôi không triệt để, vệ sinh ao nuôi không tốt… là những yếu tố làm giảm chất lượng môi trường nước trong ao và tăng nguy cơ phát triển của ký sinh trùng.

Ký sinh trùng phổ biến ở tôm

- Ký sinh trùng GregarineGregarine thuộc lớp trùng hai tế bào: Eugregarinida, ký sinh chủ yếu trong đường ruột tôm. Cấu tạo Gregarine ở giai đoạn trưởng thành hay thể dinh dưỡng gồm có 2 tế bào. Tế bào phía trước (Protomerite - P) có cấu tạo phức tạp gọi là đốt trước (Epimerite - E) nó là cơ quan đính của ký sinh trùng và tế bào phía sau (Deutomerite - D).

Ký sinh trùngKý sinh trùng Gregarine. 

- Ký sinh trùng Vermiform: Vermiform là một loại ký sinh trùng có hình dạng tương tự như giun và Gregarine. Chúng không có cấu trúc tế bào, gần như trong suốt. Khi quan sát dưới kính hiển vi, ta có thể thấy Vermiform được bao bọc bởi một lớp màng mỏng ở bên ngoài, bên trong là một lớp màng dày với nhiều nếp nhăn phức tạp.

Nhận biết tôm bị ký sinh trùng đường ruột

- Ruột tôm có hình ziczac, hay bị “xoắn lò xo”.

- Ruột tôm bị đứt đoạn, rỗng, không có thức ăn trong ruột.

- Tôm có màu nhạt, tôm lớn chậm, tăng trưởng kém.

- Viêm mạc ruột giữa bị hư hại và dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn gây hại như nhóm vi khuẩn Vibrio (gây ra bệnh phân trắng ở tôm).

- Tôm bị đục cơ ở các bộ phận gần cuối cơ thể hoặc phần lưng.

- Tôm bị nhiễm bệnh có dấu hiệu chuyển sang màu trắng sữa hoặc trắng đục.

- Sắc tố melanin ở tế bào biểu bì của tôm giảm.

- Trên mặt nước ao nuôi có thấy các sợi phân trắng đục.

- Tôm không ăn, vỏ mềm, màu sắc có tôm đậm hơn bình thường.

Cách diệt ký sinh trùng và phòng ngừa bệnh hiệu quả

Đầu tiên, khi phát hiện các dấu hiệu nhận thấy tôm bị nhiễm ký sinh trùng cần nhanh chóng lấy mẫu tôm làm xét nghiệm. Từ đó bà con có thể tìm được rõ nguyên nhân chính xác.

Khi đã có các kết quả chứng minh tôm bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột, bà con cần tiến hành nhanh các biện pháp xổ ký sinh trùng. Quá trình này có tác dụng diệt các ký sinh trùng có trong ruột tôm, làm chúng chết đi và được thải ra bên ngoài.

Tiếp theo, cần xử lý nước ao nuôi thật kỹ để diệt các mầm bệnh còn đang tồn dư bên ngoài tránh để tôm bị nhiễm bệnh lại. Bà con có thể tiến hành thay nước từ 20 – 30% lượng nước đang có trong ao và chạy sục khí đáy ao mạnh.

Tôm thẻCần xử lý nước ao nuôi thật kỹ để diệt các mầm bệnh còn đang tồn dư bên ngoài tránh để tôm bị nhiễm bệnh lại. 

Về biện pháp phòng ngừa, bà con cần nên chủ động trước khi tôm nhiễm bệnh, vì thực tế nếu tôm đã nhiễm ký sinh trùng sẽ điều trị rất lâu, gây tốn kém chi phí. Thậm chí tôm có thể chậm lớn hơn so với bình thường.

Đầu tiên, cần nên chọn mua giống chất lượng cao, khỏe mạnh và từ đơn vị cung cấp uy tín. Đồng thời phải qua xét nghiệm và không mang các loại ký sinh trùng gây hại. 

Theo dõi sức khỏe tôm liên tục, quan sát thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh trên tôm và có biện pháp xử lý kịp thời. 

Cải tạo ao nuôi đúng cách trước và trong quá trình nuôi tôm. Đảm bảo môi trường nước ao nuôi luôn sạch sẽ, hạn chế các yếu tố gây ô nhiễm, cung cấp cho tôm một môi trường sống thuận lợi nhất. 

Nguồn nước ao nuôi phải đảm bảo các chỉ tiêu về độ kiềm, độ pH,…đạt mức tối ưu, đảm bảo tôm phát triển tốt nhất.

Ký sinh trùng đường ruột mà một loại bệnh khá phổ biến, lây lan nhanh nhưng lại khá hạn hẹp về cách điều trị. Vì vậy bà con cần lưu ý chủ động phòng chống trước khi chúng xâm nhập gây hại cho ao nuôi.

Bình chọn tin tức

Bình chọn tin tức: (5.0 / 2 đánh giá)

Bình luận

Top

  Zalo